Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về sinh vật và xử lý ô nhiễm trong nhà. Vậy với những văn phòng, nhà ở có sử dụng nhiều thiết bị điện tử... thì ngoài cây còn phải cần thêm gì để giảm bớt khí độc?
Trồng theo sở thích
Khảo sát tại một số văn phòng công ty cùng một số nhà dân cho thấy, tỷ lệ hiểu biết về trồng cây trong nhà rất hạn chế. Các trả lời hầu hết đều cho rằng, họ trồng cây theo cảm hứng, nghe đồn mà ít hiểu biết về khoa học.
Tại văn phòng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Kim Mã, Hà Nội) các nhân viên ở đây cho hay, nghe nói cây có khả năng hút chất độc nên nhiều thành viên trong công ty mua cây đặt trên bàn nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hầu hết các cây này đều được chọn theo sở thích: Người thích cây lô hội, cây lưỡi hổ hay trầu bà... Có những góc bàn nhỏ, nhân viên còn mua cây còn rất nhỏ và non về trồng. Ngoài ra, công ty cũng mua một số cây như vạn niên thanh, hoa thủy tiên... trồng tại các điểm sử dụng nhiều thiết bị máy móc như khu vực máy in, máy photocopy.
Còn tại nhà dân, bà Nguyễn Thị Hồng (ngõ 92, Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho hay, bà trồng cây trong nhà vì có nhiều thông tin cho thấy cây có thể hút khí độc, làm trong lành không khí. Nhà bà phòng nào cũng trồng cây cảnh nhưng chưa tìm hiểu về công dụng, nhiều loại cây khi nở hoa có mùi khó chịu nhưng bà vẫn bắt con để trong nhà.
Theo ThS Bùi Văn Năng, Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm Việt Nam, trồng cây vừa làm đẹp, vừa làm sạch không khí trong nhà, an toàn hơn cho sức khoẻ và tạo ra một bầu không khí tươi mát, dễ chịu trong gia đình. Khả năng hút độc của cây phụ thuộc vào kích thước cây, nhiệt độ, độ ô nhiễm của không khí, chất lượng cây... Cây làm sạch không khí bằng hai cách: Hấp thụ chất ô nhiễm vào lá rồi chuyển xuống rễ, rễ tổng hợp chất ô nhiễm làm thức ăn cho cây, hoặc cây nhả hơi nước như một cái bơm hút không khí bẩn xuống rễ.
Tuy nhiên, tùy vào các mục đích cần lựa chọn cây phù hợp. Nhà mới nên chọn các cây có khả năng loại bỏ chất này trong không khí như cây lô hội, dương xỉ mỹ, cau bụi, lưỡi hổ, mẫu tử... Còn tại các khu có máy tính, máy photo cần trồng cây như trầu bà, trầu ông...
Ở góc độ khác, các chuyên gia cho hay, việc trồng một hay vài cây chưa thể đạt được mục đích cải thiện môi trường, không khí mà cần có mật độ riêng. Hiện nước ta chưa có nhiều nghiên cứu về mật độ, tuy nhiên Tổ Trung tâm NASA (Mỹ) khuyên rằng, trong một ngôi nhà rộng khoảng 160 thước vuông thì nên trồng khoảng 15 - 18 cây trên trong các chậu từ có đường kính từ 12 - 18cm. Các vi sinh vật sống xung quanh rễ các loài cây trên cũng tham gia tiêu hủy các chất độc, do đó nên để cho mặt đất tiếp xúc với không khí để tăng thêm khả năng trao đổi và thu hút khí độc.
Những khu vực trồng cây không hiệu quả
PGS.TS Trần Văn Thụy, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay, cây cảnh về nguyên tắc chỉ có 2 cơ chế là quang hợp và hô hấp. Buổi ngày cây sẽ hút khí CO2, thải khí ô-xy, còn buổi tối sẽ ngược lại. Ngoài ra, có một số cây khác có thể hút một số khí được xem là độc như ozon, CO2, formandehit... Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, việc trồng cây trong nhà chỉ là biện pháp hỗ trợ. Bởi thực vật hấp thụ khí độc rất chậm và thấp.
Tại các địa điểm, văn phòng khép kín cần có hệ thống thông gió thay vì chờ đợi cây xử lý. Ví dụ, khu vực đặt máy in, photocopy, máy tính nhiều. Hay các khu vực bị ô nhiễm khí thải như hầm nhà để xe... “Tại những nơi có nguy cơ ô nhiễm cao hơn bình thường nếu chờ cây làm sạch không khí thì con người đã hít phải khí độc”, PGS.TS Trần Văn Thụy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, cây trồng trong nhà, thậm chí trước cửa nhà cũng cần phải lựa chọn. Tránh dùng các cây đã được khuyến cáo gây độc. Ngoài ra, cây trồng trong nhà buổi tối cần đưa ra hành lang. Điều này nhằm mục đích tránh bị ngộ độc ngược lại cũng như giúp cây phát triển tốt.
Cây dương xỉ mỹ có khả năng loại bỏ formaldehyde 1.863µg/h. Với phòng mới có đồ gỗ, thảm hoặc mới sơn, sử dụng khoảng 2 chậu dương xỉ dưới ánh sáng trung bình. Cây này chỉ cần tưới khi thấy đất khô. Còn cây lô hội sau 24 giờ trong điều kiện luôn luôn có ánh sáng, một cây lô hội khử được đến 90% formaldehyde trong 1m3 không khí.
|